Đồng Tháp lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Cá Tra
Sau Lễ hội Sen và Lễ hội Xoài, Đồng Tháp sẽ tổ chức Lễ hội Cá tra nhằm phát huy giá trị của các ngành hàng nông sản.
Theo Ban Tổ chức, Lễ hội Cá tra lần thứ I năm 2022 dự kiến có 50.000 người tham gia các hoạt động trải nghiệm không gian cá tra; thưởng thức biểu diễn ẩm thực, các sản phẩm đặc sắc từ cá tra; hội thi ẩm thực từ cá tra; chương trình biểu diễn nghệ thuật; tham quan vùng nuôi…
Với chủ đề “Vươn ra biển lớn”, lễ hội cá tra được tổ chức sẽ là hoạt động hướng đến xây dựng hình ảnh “Thủ phủ cá tra Hồng Ngự” nhằm quảng bá, tri ân nghề nuôi cá tra, một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Qua đó giới thiệu, quảng bá hình ảnh ấn tượng, đặc trưng, tiềm năng và thế mạnh về sản phẩm từ cá tra, đặc sản địa phương.
Lễ hội còn là cơ hội để các doanh nghiệp đối tác gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ thông tin về thị trường trong và ngoài nước; kết nối cung cầu tiêu thụ nội địa và tìm kiếm các đối tác kinh doanh tiềm năng trong chuỗi ngành hàng.
Theo ông Huỳnh Tú Linh – Phó Chủ tịch UBND TP Hồng Ngự, cá tra được xem là ngư vật vùng Hồng Ngự. Người dân Hồng Ngự tự hào là vùng khởi thủy cá tra.
Theo UBND TP Hồng Ngự, cá tra được biết đến từ những năm 1960. Người dân bắt cá tra từ sông Cửu Long thuần dưỡng rồi chở về đi bán khắp Miền Tây. Nuôi cá tra thời điểm này chủ yếu là cải thiện đời sống. Đến năm 1998 cá tra trở thành hàng hoá xuất khẩu, nguồn giống tự nhiên không đáp ứng yêu cầu.
Nhờ ứng dụng tiến bộ của khoa học, người dân Hồng Ngự đã cho sinh sản cá tra giống nhân tạo – đáp ứng yêu cầu con giống cả Miền Tây Sản phẩm cá tra xuất khẩu trên 140 quốc gia, vùng lãnh thổ. Từ đó Hồng Ngự trở thành cái nôi của nghề nuôi cá tra.
Đến nay tổng diện tích nuôi cá tra nguyên liệu trên địa bàn thành phố khoảng 177 ha, sản lượng đạt 60.000-65.000 tấn. Diện tích nuôi cá giống khoảng 200ha. Ngành cá tra có đóng góp tỉ trọng lớn vào nền kinh tế địa phương.