Thanh Hóa: Phát triển nghề nuôi Cá Lồng trên sông
(Huyện Thọ Xuân) Thời gian qua nhằm khai thác và phát huy lợi thế, huyện Thọ Xuân đã khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Chu, từ đó mở ra hướng phát triển kinh tế mới, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống người dân.
Hiện nay trên sông Chu có hàng trăm ô lồng nuôi cá của các hộ dân thuộc xã Thọ Xương, Xuân Thiên, Thọ Hải, Xuân Hoà, Xuân Tín… Các hộ nuôi theo hình thức thâm canh, đầu tư thức ăn công nghiệp kết hợp nguồn thức ăn tự nhiên, với các đối tượng nuôi chủ yếu là cá trắm cỏ, chép, rô phi…
Nuôi cá lồng trên sông có ưu thế là nước sạch, hàm lượng ôxy lớn nên cá lớn nhanh, ít bị bệnh, chất lượng thịt ngon. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, người dân làng Thuỷ Long, xã Thọ Xương, mỗi năm gia đình nuôi 2 lồng, xuất bán hơn 1 tấn cá, thu về hơn 100 triệu đồng.
Từ một số kết quả đạt được, có thể nói đây không chỉ là hướng phát triển kinh tế cho người dân, mà còn phát huy được tiềm năng sẵn có về mặt nước, sông hồ của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống của người dân, tạo việc làm cho người lao động.
Thời gian tới, huyện Thọ Xuân sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng tính hiệu quả của mô hình nuôi cá lồng bè để các hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, hướng đến thành lập tổ hợp tác để người dân được hỗ trợ vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào nuôi trồng, ổn định đầu ra của sản phẩm. Quan tâm thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn, nhất là trong mùa mưa bão, để giảm tổn thất do thiên tai…
Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình còn gặp nhiều khó khăn do vốn đầu tư hạn chế, tập quán sản xuất của người dân còn lạc hậu dẫn đến hạn chế trong việc áp dụng khoa học – kỹ thuật… nên cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành liên quan để tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đỗ Duy Nhã (Báo Thanh Hóa điện tử)