Bắc Kạn: Thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ Thủy Sản mùa nắng nóng
Liên quan đến hiện tượng cá ao nuôi ở thôn Nà Pài (thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn) bị chết hàng loạt, cơ quan chuyên môn nhận định, nguyên nhân là do cá bị thiếu oxy, mật độ nuôi dày, lượng nước trong ao không đảm bảo, nguồn nước ít khi được vệ sinh và thay thế nên không đảm bảo môi trường cho cá sinh trưởng, phát triển.
Ông Đỗ Xuân Việt- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Hằng năm vẫn thường xảy ra hiện tượng cá chết ở một số ao nuôi trên địa bàn tỉnh, nhất là những ngày nắng nóng hoặc mưa lũ, cá nuôi trong ao kém ăn, nguy cơ mắc bệnh rất cao. Hơn nữa, ao nuôi cá trên địa bàn chủ yếu ở gần các khe, ao tù ít khi được bà con xử lý thay nước, vệ sinh nên phát sinh nhiều loại độc tố, sinh vật gây hại do lượng thức ăn tích tụ lâu ngày trong ao không được giải phóng… Đó là lý do dẫn đến tình trạng thiếu oxy khiến cá bị sốc, ngộ độc, giảm sức đề kháng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay có một số ao nuôi tại huyện Chợ Đồn xảy ra hiện tượng cá chết. Cụ thể, ở thôn Nà Mèo, xã Đồng Thắng; tổ 17, thôn Bản Duồng (thị trấn Bằng Lũng), gần đây nhất là thôn Nà Pài (thị trấn Bằng Lũng). Ngoài ra, một số ao nuôi cũng từng xảy ra hiện tượng cá chết nhưng không báo cơ quan chức năng.
Trong năm nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Đồn đã tổ chức quan trắc môi trường nước nuôi thủy sản tại 6 hộ ở xã Yên Phong. Kết quả cho thấy hầu hết ở các ao nuôi đều có lượng oxy hòa tan trong nước thấp, lượng khí độc nitrit, amoni tại một số ao còn cao. Quá trình quan trắc, hộ ông Ma Doãn Bính có hiện tượng cá chết rải rác, nguyên nhân ao nuôi bị che khuất bởi bờ bụi, màu nước ao đen, 1/3 ao được quây để nuôi vịt, lượng oxy hòa tan trong các tháng 3, 4, 5 đều rất thấp (chỉ từ 1,8 – 2,7mg/l). Môi trường trong tình trạng thiếu oxy là nguyên nhân khiến cá gầy yếu và chết rải rác.
Lâu nay, các hộ chăn nuôi thủy sản vẫn còn rất chủ quan trong quá trình chăn nuôi, chưa chú trọng áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nhất là thời điểm nắng nóng, thời tiết giao mùa là lúc môi trường khá nhạy cảm, phát sinh dịch bệnh trên vật nuôi. Vì vậy, để hạn chế thiệt hại, bà con cần tuân thủ các biện pháp kỹ thuật xử lý ao nuôi theo khuyến cáo của ngành chức năng; chủ động tìm kiếm thông tin từ mọi nguồn kênh để có thêm các biện pháp chăm sóc cá; khi xảy ra hiện tượng cá chết bất thường cần chủ động báo tin cho cơ quan chuyên môn gần nhất.
Bà Trương Thị Huệ- Chuyên viên Phòng Quản lý dịch bệnh và chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo:
– Cần duy trì mực nước trong ao từ 1,2m trở lên, hằng tuần vớt sạch rác và thức ăn dư thừa dưới ao, cấp thêm nước bù lượng nước rò rỉ và bay hơi.
– Khuyến khích mật độ thả từ 1-2 con/m2.
– Giữ độ PH cân bằng ổn định; định kỳ hằng tuần thay 20-30% lượng nước trong ao, nếu nước trong ao lưu thông liên tục thì càng tốt.
– Quản lý lượng thức ăn của cá, giảm lượng thức ăn vào những ngày mưa, nắng nóng kéo dài.
– Không xả thải động vật xuống ao, nhất là nước tiểu động vật là nguyên nhân khiến hàm lượng amoni trong ao tăng cao.
– Hết thời vụ nuôi thực hiện vét bỏ bùn đáy, bón 2kg vôi/100m2 để xử lý đáy ao, phơi đáy ao từ 5-7 ngày để bay hết lượng khí độc tích tụ.
– Thường xuyên kiểm tra tình hình cá nuôi trong ao, đặc biệt là thời gian 5h sáng. Nếu phát hiện cá nổi đầu cần sử dụng quạt nước, sục khí, bơm nước để tăng cường oxy hòa tan, đảo nước…
Thu Trang (Báo Bắc Kạn)