Bến Tre: Phát triển ổn định nghề nuôi Tôm nước lợ
Thời gian qua, nghề nuôi tôm nước lợ trong tỉnh đã và đang phát triển khá mạnh cả về diện tích và sản lượng, nhất là vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh; đặc biệt phát triển mạnh về quy mô và sản lượng tôm nuôi tại 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Đến nay, chủ trương của tỉnh vẫn xác định ngành thủy sản cùng với kinh tế vườn là một trong hai thế mạnh để phát triển kinh tế của tỉnh. Thực hiện chủ trương này, ngành nông nghiệp (NN) đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra và đạt được một số kết quả nhất định.
Theo số liệu báo cáo gần đây nhất của ngành NN, tổng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh đạt 47.590ha, trong đó nuôi tôm nước lợ 36.300ha gồm thâm canh 12.500ha, riêng diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (CNC) đạt 2.567ha. Tổng sản lượng nuôi thủy sản năm 2022 đạt 322.100 tấn; trong đó, tôm nước lợ 83.100 tấn đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tôm nước lợ dần được hoàn chỉnh tại các vùng nuôi tập trung. Đặc biệt là sự quan tâm đầu tư của Trung ương đối với 2 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm CNC huyện Ba Tri và Bình Đại, với tổng nguồn vốn 400 tỷ đồng, đây là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển an toàn về nuôi tôm nước lợ trong thời gian tới.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Buội cho biết: Thời gian qua, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản triển khai thực hiện về việc tăng cường công tác xác nhận đăng ký nuôi thủy sản chủ lực, đạt kết quả 54 cơ sở nuôi tôm nước lợ, diện tích mặt nước nuôi 186ha, với 244 ao nuôi. Tăng cường kiểm tra điều kiện sản xuất giống. Hoạt động sản xuất chủ yếu là tôm thẻ chân trắng ngày càng được nâng lên về chất lượng và quy mô sản suất. Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 cơ sở sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Trong đó, có 4 cơ sở sản xuất giống có công suất đạt từ 2 – 4 tỷ giống/năm/trại, còn lại 58 cơ sở ương dưỡng giống tôm sú quy mô nhỏ, góp phần cung ứng tôm giống cho địa phương và khu vực lân cận. Tổ chức kiểm tra điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, kết quả kiểm tra duy trì cho 73 cơ sở đảm bảo điều kiện theo đúng quy định. Qua thanh tra, kiểm tra, hầu hết các cơ sở sản xuất giống, kinh doanh giống tuân thủ nghiêm các quy định, không có cơ sở vi phạm.
Công tác quan trắc môi trường vùng nuôi hoạt động chủ yếu là quan trắc môi trường nguồn nước cấp cho vùng nuôi tôm thâm canh các chỉ tiêu về môi trường như: độ trong, pH, nhiệt độ, độ mặn, DO, NH3, H2S; quan trắc về mầm bệnh đốm trắng, AHPND, IHHNV. Qua phân tích tỷ lệ nhiễm bệnh đốm trắng các tháng cuối năm giảm rất nhiều so với các tháng đầu năm, nhiễm bệnh đốm trắng nhiều nhất vào các tháng 4, 5, 6; các thông số thủy lý, hóa và độ mặn đều nằm trong ngưỡng thích hợp. Trên cơ sở từ nguồn vốn Dự án WB đã tiếp nhận lắp đặt 6 trạm quan trắc tự động để giám sát 9 thông số môi trường nước như: nhiệt độ, pH, độ mặn, oxy hòa tan, tổng chất rắn lơ lửng…
Để đạt được những kết quả bước đầu nêu trên, ngành NN đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ, có hiệu quả và đặc biệt vai trò rất quan trọng, không thể thiếu đó là sự hưởng ứng tích cực của người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực NN và nhu cầu sử dụng sản phẩm tôm ứng dụng CNC, sản phẩm sạch ngày càng lớn.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn và hạn chế như: trong các tháng cuối quý II-2022, thời tiết diễn biến bất thường, mưa xảy ra khá liên tục và lượng nước mưa lớn làm thay đổi môi trường, tạo thuận lợi cho bệnh đốm trắng, phân trắng, chậm lớn phát sinh. Giá nguyên liệu đầu vào trong năm tăng nhiều so với mọi năm nên lợi nhuận người nuôi không cao, ảnh hưởng đến việc tái sản xuất của người dân. Cơ sở hạ tầng để phục vụ nuôi tôm nước lợ hiện nay chưa đáp ứng như: thủy lợi, giao thông và điện chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Việc phát triển nuôi tôm CNC còn rời rạc, nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng nuôi tôm tập trung lớn để có kế hoạch thực hiện các hoạt động đầu tư hạ tầng như: điện, đường, thủy lợi một cách hoàn chỉnh. Hiện nay, nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh chưa hoàn toàn chủ động nguồn giống đảm bảo chất lượng, 70% lượng giống phải nhập từ các tỉnh ngoài. Toàn tỉnh chỉ có 1 nhà máy chế biến tôm với công suất thiết kế 5.000 tấn/năm, tuy nhiên chưa tập trung cho chế biến tôm, nếu thực hiện hết công suất cũng chỉ có thể đáp ứng được 10% sản lượng tôm biển nuôi của tỉnh.
Bài, ảnh: Thu Huyền (Báo Đồng Khởi)