Hậu Giang: Thận trọng khi tái nuôi Cá Tra

Giá cá tra tăng cao nhưng đa phần người nuôi cá Hậu Giang không có lãi nhiều.

Trại cá của Công ty Quang Minh, ở xã Hiệp Hưng, được xem là một trong những trại cá lớn nhất ở huyện Phụng Hiệp, với 9 ao nuôi, diện tích gần 12ha. Trại cá cũng vừa thu hoạch ao nuôi 7.000m2, sản lượng khoảng 400 tấn. Dù bán lứa đầu với giá 27.000 đồng/kg, tăng gần 7.000 so với cùng kỳ năm trước nhưng công ty vẫn không có lãi nhiều. Anh Nguyễn Khắc Đông, quản lý trại cá cho biết: “Do dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu cá tra nên giá bán cá năm qua luôn bấp bênh, buộc người nuôi cá tra phải cho ăn cầm chừng kéo dài thời gian nuôi. Thông thường cá tra nuôi từ 8-10 tháng là xuất bán, nhưng ao cá vừa xuất có thời gian nuôi đến 2 năm, làm cho chất lượng con cá bị giảm nên khả năng lợi nhuận cũng phá huề”.

Cách trại cá của Công ty Quang Minh không xa, anh Trịnh Văn Vũ cũng vừa thu hoạch xong ao cá hơn 300 tấn bán với giá 28.500 đồng/kg, nhưng anh Vũ vẫn không mấy phấn khởi. Bởi thời gian qua, giá cá ở mức thấp nhưng chi phí thức ăn lại liên tục tăng, dù cho ăn cầm chừng nhưng giá thành sản xuất vẫn tăng hơn mọi năm 2.000 đồng/kg, dao động mức 26.000-27.000 đồng/kg. Chưa kể cá quá lứa thu hoạch làm cho trọng lượng cá vượt hơn chuẩn quy định nên giá bán thấp hơn mặt bằng chung từ 2.000-3.000 đồng/kg.

Phần lớn diện tích cá tra thu hoạch ở Phụng Hiệp hiện nay đều quá chuẩn theo quy định.

Anh Vũ cho biết: “Với những hộ nuôi cá tra xuất đúng lứa thì với giá bán như hiện nay sẽ lãi nhiều. Còn với những hộ nuôi bị tồn đọng bán không được, thời gian nuôi bị kéo dài thì tính ra cũng không có nhiều lãi. Dự định của gia đình sau vụ cá này sẽ giãn vụ một thời gian, xem tình hình như thế nào rồi mới tái nuôi lại. Bởi khi giá cá nguyên liệu tăng mạnh thì đi kèm với đó giá thức ăn và cá giống sẽ tăng theo. Trong khi đầu ra của những lứa cá tiếp theo chưa có gì chắc chắn”.

Theo thống kê, huyện Phụng Hiệp hiện còn 91 hộ nuôi cá tra, với diện tích 33,2ha, trong đó có 8 hộ với diện tích 3,4ha đa phần đều quá lứa thu hoạch. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Thời gian qua giá cá tra ở mức thấp, đồng thời tác động của dịch Covid-19 khiến cho nhiều hộ nuôi không thể xuất bán, buộc bà con nuôi cá tra phải cho ăn cầm chừng để chờ giá. Vì thời gian nuôi kéo dài nên chi phí sản xuất từ đó cũng tăng cao làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của người nuôi.

Cũng theo ông Tuấn, cá tra là ngành nghề phát triển rất mạnh ở Phụng Hiệp vài năm trước đây với diện tích lên đến 100ha. Tuy nhiên, thời gian qua do giá cá xuống thấp nhiều hộ nuôi cá tra chuyển sang nuôi cá rô, cá trê, thát lát và cũng có không ít hộ treo ao. Nhưng hiện nay giá cá tra tăng sau một thời gian dài ở mức thấp là tín hiệu vui để người nuôi khôi phục, phát triển ngành nghề này. Nhưng người nuôi cũng cần thận trọng, nắm bắt xu hướng thị trường không nên vội vàng mở rộng diện tích khiến cho cung vượt cầu dẫn đến giá bán sụt giảm như những năm trước đây.

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, từ nay đến quý II-2022 sản lượng cá có thể sụt giảm, không đáp ứng đủ nhu cầu cho các doanh nghiệp xuất khẩu, bởi thời gian giãn cách trước đó đã ảnh hưởng đến việc thả giống bị đứt gãy, gián đoạn. Qua nghiên cứu và nắm bắt thông tin từ doanh nghiệp thì đây là thời điểm tốt nhất, giá cá tra không chỉ ở mức như hiện nay mà có thể tăng thêm nữa. Cho thấy tín hiệu mừng để nông dân khôi phục, phát triển ngành nghề nuôi cá tra. Mặc dù vậy, người nuôi cũng cần thận trọng, không nên vội vàng mở rộng diện tích khiến dư thừa sản lượng và dẫn tới giá sụt giảm. Để phát triển bền vững, các hộ nuôi cá cần liên kết chặt với các doanh nghiệp, nhằm đưa ra phương án nuôi, thời điểm thu hoạch hợp lý, chất lượng đảm bảo. Trong sản xuất cũng cần cân đối sản lượng cá tra vừa đủ hoặc thiếu một ít thì sẽ hạn chế tình trạng sụt giảm về giá.

Theo Bộ NN&PTNT, đối với sản phẩm cá tra, dù hiện nay đang tăng mạnh về giá, song các địa phương cần rà soát lại quy hoạch và đưa ra định hướng phát triển thời gian tới một cách hợp lý, không để phá vỡ quy hoạch, không ào ạt mở rộng diện tích nhằm tránh tình trạng “cung vượt cầu” dẫn tới giá rớt trở lại. Đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi nhằm hình thành chuỗi sản xuất khép kín để đảm bảo ổn định đầu vào, đầu ra; đồng thời giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng cá, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Khuyến cáo đến các hộ nuôi chưa tham gia liên kết với doanh nghiệp, tạm thời chưa thả cá lại, tiến hành nâng cấp điều kiện nuôi, tìm hình thức liên kết phù hợp để đảm bảo có kế hoạch sản xuất ổn định, hạn chế rủi ro…

Hiện nay, giá cá tra đang ở mức 29.500-30.000 đồng/kg, tăng 4.000-5.000 đồng/kg so với các tháng cuối năm 2021, giá này đảm bảo cho người nuôi lời nhiều. Có thể nói, giá cá tra nguyên liệu tăng là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất, tiêu thụ trong năm 2022, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về sự phát triển “nóng trở lại” của ngành hàng này.

T.TRÚC – D.KHÁNH (Hậu Giang Online)

Similar Posts