Trà Vinh: Nhiều khó khăn ở đầu vụ Tôm nuôi vùng nước lợ
Hiện nay, nông dân vùng ven biển các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành và thị xã Duyên Hải đang bước vào vụ thả nuôi thủy sản năm 2023. Do tình hình thời tiết diễn biến bất thường (mưa trái mùa) cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi và độ mặn dao động cao đã gây nhiều bất lợi cho các hộ nuôi tôm vùng nước lợ…
Đồng chí Nguyễn Văn Quốc, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông Trà Vinh cho biết: ngay đầu vụ thả nuôi tôm nước lợ năm 2023 đã xuất hiện nhiều bất lợi cho người nuôi tôm ở Trà Vinh do dịch bệnh, nhất là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột trên tôm. Trong giai đoạn sên và phơi ao hồ thì mưa trái mùa, nên nhiều hộ phải xử lý lại ao hồ làm tăng chi phí. Cùng với đó, nguồn lực tài chính của các hộ nuôi tôm cũng gặp nhiều khó khăn do trong mùa vụ năm 2022 tôm nuôi thiệt hại khá cao.
Ghi nhận tại vùng nuôi tôm huyện Cầu Ngang, cho thấy trong mùa vụ năm 2022, trên địa bàn huyện có 22,21% diện tích thả nuôi tôm sú bị thiệt hại, tăng 3,21% so với năm 2021 (diện tích thả nuôi tôm sú của huyện Cầu Ngang 2.663ha/5.878 hộ); gần 57% số hộ nuôi tôm bị lỗ đến huề vốn. Tôm thẻ chân trắng có 22,5% diện tích thả nuôi bị thiệt hại, tăng 7,27% so với năm 2021 (tổng diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng 4.396ha/7.262 hộ); số hộ nuôi huề vốn và lỗ vốn chiếm gần 45%.
Nông dân Trần Bảo Lĩnh, ấp Cái Già Trên, xã Hiệp Mỹ Đông chia sẻ: gia đình có 0,5ha diện tích nuôi tôm (02 ao), vụ nuôi năm 2022 thả được 03 đợt. Trong đó, đợt đầu cũng kiếm được trên 100 triệu đồng, nhưng 02 đợt thả sau đều thất bại, coi như cả năm đều phá huề. Nhưng nguồn tiền vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện được 50 triệu đồng đầu tư cho vụ tôm 2022 thì gặp khó cho việc đáo hạn ngân hàng trong đầu năm 2023, vì không có lời trong vụ thả nuôi tôm 2022. Trong vụ tôm 2023, gia đình lại tiếp tục khó khăn vì không có nguồn vốn để bổ sung đầu tư cho cải tạo ao hồ và thả tiếp giống tôm để nuôi vụ mới…
Đồng chí Nguyễn Văn Bẹ, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Cái Già Trên, xã Hiệp Mỹ Đông cho biết: trong ấp tiếp giáp với 02 cánh đồng nuôi tôm chủ lực là cánh đồng Tây và cánh đồng Năng, với diện tích nuôi tôm khoảng 450ha/370 hộ. Trong vụ nuôi tôm nước lợ năm 2023, trên 70% hộ nuôi bị lỗ vốn và huề vốn; chi phí để đầu tư cho 1.000m2 ao nuôi tôm công nghiệp khoảng 30 – 40 triệu đồng. Các hộ nuôi tôm mong muốn được ngân hàng tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn sản xuất và gia hạn nợ để tái đầu tư cho vụ nuôi 2023.
Trong vụ nuôi thủy sản năm 2022, xã Hiệp Mỹ Đông có 03 đối tượng chủ lực là tôm sú có 869 lượt hộ thả nuôi 52,14 triệu con giống, diện tích 244,8ha; tôm thẻ chân trắng có 1.762 lượt hộ thả nuôi 229 triệu con giống, diện tích 458,12ha và tôm càng xanh, có 189 lượt hộ thả nuôi 4,7 triệu con giống trên diện tích 118ha…
Theo đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, công chức phụ trách Nông nghiệp – Môi trường xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang: trong năm 2022, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường nuôi tôm không ổn định; qua đó, có 1.892 lượt hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại, với diện tích 47,32ha; tôm sú có 177 lượt hộ nuôi bị thiệt hại, diện tích 49,86ha.
Cùng với đó là do giá đầu vào (thức ăn, thuốc thú y…) tăng cao, giá tôm thương phẩm không ổn định, dẫn đến lợi nhuận bị giảm, ảnh hưởng đến thu nhập chung của người nuôi tôm. Đặc biệt là trong đầu vụ thả nuôi thủy sản năm 2023, tình hình thời tiết diễn biến bất thường nên việc thả nuôi tôm của nông dân cũng bị ảnh hưởng khá lớn.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Quốc, để đảm bảo tốt việc thả giống cho vụ nuôi tôm năm 2023, ngoài việc người nuôi bám sát theo lịch xuống giống thủy sản chung của tỉnh cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết và môi trường xung quanh để có sự chuẩn bị tốt cho việc thả giống; trong đó, phải đảm bảo độ mặn nước thích hợp và tránh thời điểm thả giống có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao. Đối với ngành chuyên môn sẽ tăng cường công tác dự báo và theo dõi môi trường nước, dịch bệnh tại các tuyến sông đầu nguồn…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ (Báo Trà Vinh)