Vĩnh Phúc: Phát triển thủy sản theo hướng bền vững

Tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, bán thâm canh gắn với từng bước nâng cao chất lượng môi trường nuôi; đẩy mạnh bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực thủy sản… Vĩnh Phúc đang nỗ lực thúc đẩy mạnh phát triển thủy sản theo hướng bền vững, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Vĩnh Phúc được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất thủy sản với hệ thống sông suối đa dạng, nhiều hồ, ao, đầm phân bố trải đều khắp các địa phương trong tỉnh. Tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của tỉnh năm 2021 khoảng 6.500 ha.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất thủy sản, những năm qua, tỉnh tập trung hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản từng bước đa dạng hóa các đối tượng nuôi, đưa vào nuôi các đối tượng chủ lực, có hiệu quả, giá trị kinh tế cao.

Cùng với đó, mở rộng các diện tích nuôi thủy sản theo hướng thâm canh, bán thâm canh. Ứng dụng khoa học công nghệ đưa các phương thức nuôi mới vào sản xuất như nuôi cá lồng trên hồ thủy lợi; công nghệ nuôi sông trong ao; công nghệ biofloc… Nâng cao toàn diện năng lực phòng chống dịch bệnh; cảnh báo sớm dịch bệnh, cũng như các nguy cơ ô nhiễm môi trường nuôi.

Trong năm 2021, Chi cục Thủy sản đã tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức, chuyển giao công nghệ nuôi thủy sản mới, phương pháp quản lý các thông số môi trường ao nuôi, hướng dẫn các biện pháp bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường ao nuôi cho gần 300 lượt hộ nuôi thủy sản.

Hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản theo hướng thâm canh, bán thâm canh với cá rô phi đơn tính, trắm, chép lai cho gần 100 hộ nuôi với tổng diện tích gần 140ha. Hỗ trợ chuyển đổi diện tích trồng lúa sang kết hợp nuôi thủy sản với tổng diện tích trên 34 ha và hơn 1.600 m3 diện tích nuôi cá lồng, bể.

Mô hình nuôi cá rô phi bằng công nghệ Biofloc tại Vĩnh Phúc.

Khuyến khích, hỗ trợ người nuôi thủy sản sử dụng các chế phẩm sinh học, các thiết bị phụ trợ như máy cho cá ăn, tạo ao ô xy, cảm biến đo chỉ số môi trường… trong quá trình nuôi.

Triển khai lấy hơn 200 mẫu quan trắc môi trường tại hơn 30 điểm trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên và Sông Lô để giám sát môi trường nuôi, kết hợp với tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các biện pháp xử lý, nâng cao chất lượng môi trường nuôi.

Cùng với đó, tổ chức điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản; tuyên truyền, tập huấn đến đông đảo người dân các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản; bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cũng như huy động các nguồn xã hội hóa để thả bổ sung nguồn lợi thủy sản tại các lưu vực sông.

Năm 2021, toàn tỉnh đã tuyên truyền, cấp phát hơn 3.000 tờ rơi; tập huấn cho hơn 300 lượt người về các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên; thả bổ sung, tái tạo thủy sản hơn 3 tấn các loại cá trắm, trôi, chép, mè, chày, lăng, trắm đen…

Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, các địa phương, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động thủy sản; kiểm tra, xử lý việc khai thác thủy sản vi phạm các quy định của pháp luật.

Đã thực hiện kiểm tra gần 20 cơ sở trên địa bàn 6 huyện, thành phố về hoạt động sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi và hỗ trơ nuôi thủy sản; kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản tại 26 xã trên địa bàn 4 huyện, thành phố.

Qua kiểm tra, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những tồn tại hạn chế, đồng thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy sản trên địa bàn, nhất là việc sử dụng kích điện, ngư cụ hủy diệt để khai thác thủy sản.

Nhờ vậy, sản xuất thủy sản của tỉnh ngày càng gia tăng về sản lượng, chất lượng, giá trị, hiệu quả kinh tế mặc dù diện tích nuôi có xu hướng giảm. Đã xuất hiện nhiều hơn các mô hình điểm nuôi thủy sản cho lợi nhuận hàng trăm triệu/ha, cao gấp nhiều lần so với nuôi thủy sản theo phương thức cũ.

Ngoài các đối tượng nuôi truyền thống như trắm, trôi, chép, mè… nhiều cá nhân, hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư, đưa vào nuôi cá loài đặc sản có giá trị kinh tế cao như ba ba, cá tầm, ốc nhồi, ếch, trai nước ngọt lấy ngọc… mang lại hiệu quả rõ rệt, làm cơ sở để nhân rộng ra các địa phương trong tỉnh, góp phần nâng các giá trị sản xuất thủy sản.

Tính chung năm 2021, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt gần 24 nghìn tấn, tăng gần 3%; giá trị sản xuất đạt gần 800 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm trước. Riêng hai tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác toàn tỉnh đạt gần 4.000 tấn, tăng gần 2% so với 2 tháng đầu năm 2021.

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh (Báo Vĩnh Phúc)

Similar Posts