ĐBSCL: Giá Cá Tra đang “ngủ đông”
Giá cá tra thương phẩm tại ĐBSCL đang trong thời kỳ “ngủ đông”, làm cho doanh nghiệp (DN) lẫn ngư dân như ngồi trên “đống lửa”. Hơn 2 tháng qua, giá cá nằm ở mức 27.000 đồng/kg, lại rất khó giao dịch. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân do xuất khẩu giảm mạnh, trong khi thị trường nội địa không kham nổi sản lượng của ngư dân nuôi trong những tháng đầu năm 2023.
Xuất khẩu giảm mạnh
Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá cá tra thương phẩm trên thị trường giảm mạnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, từ tháng 1 đến tháng 3/2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước đạt 422 triệu USD, giảm 35% so cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước đạt 84 triệu USD, bước sang tháng 2 tăng lên 156 triệu USD, tháng 3 đạt 182 triệu USD. Trong 3 mã hàng xuất khẩu, mã cá tra phi-lê đông lạnh (HS0304) đạt 347 triệu USD (giảm 40%), cá tra nguyên con tươi/đông lạnh (HS03) đạt 68 triệu USD (giảm 4%), cá tra chế biến (HS16) xuất đạt 8 triệu USD (tăng 10%).
“Điều đáng nói, 6 thị trường nhập khẩu chính của sản phẩm cá tra Việt Nam đều giảm mạnh so năm ngoái, phản ánh tình hình kinh tế tại các quốc gia đang gặp khó. Những thị trường có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh là: Hoa Kỳ (giảm 64%), Brazil (giảm 40%) và Trung Quốc (giảm 22%). Ngoài khó khăn về kinh tế, theo chu kỳ hàng năm, bước vào tháng 4, 5, 6, kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm mạnh do người dân tại các quốc gia nhập khẩu đi du lịch…” – ông Lâm phân tích thêm.
Sau 2 năm dịch bệnh COVID-19 kéo dài (năm 2020, 2021), cuộc chiến giữa Nga và Ukraine xảy ra, làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Các quốc gia Châu Âu phải chứng kiến cuộc khủng hoảng về năng lượng, lương thực, lạm phát gia tăng. Động thái Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) 10 lần tăng lãi suất trong năm để kiềm chế lạm phát, một lần nữa cho thấy, tình trạng này đang gia tăng tại hầu hết quốc gia nhập khẩu cá tra. DN kiểm soát chặt chi phí, người dân thắt chặt chi tiêu, lượng cá tra xuất vào các thị trường chính giảm mạnh.
Hiện nay, giá cá tra tại hầm dao động từ 27.000 – 27.500 đồng/kg, ngư dân lỗ từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Nhiều nhà máy chế biến cá tra tại ĐBSCL cho công nhân nghỉ luân phiên trong tuần, nhằm mục đích giữ chân công nhân, chờ cơ hội sản xuất lại. Các nhà máy ưu tiên bắt cá nhà, hoặc cá trong chuỗi liên kết để chế biến; ngư dân bên ngoài chuỗi liên kết không bán được cá.
Tìm kiếm giải pháp
Lẽ thường, khi thị trường xuất khẩu gặp khó, DN, nhà phân phối sản phẩm sẽ quay về khai thác thị trường trong nước, đây được xem là biện pháp “cứu cánh”. Song, trong lần khó khăn này, do sản lượng nuôi xuất khẩu khá lớn (gần 1,5 triệu tấn), trong khi thị trường nội địa chỉ 100 triệu dân, xảy ra tình trạng “bể chợ”.
“Thị trường trong nước không kham nổi sản lượng trên, ảnh hưởng lên các mặt hàng cá khác. Giải pháp lúc này, nhà nước cần tạo điều kiện cho DN vay vốn giá rẻ để tăng cường xây dựng kho chứa, đưa cá vào kho bảo quản, chờ thị trường bình phục để bán. Tôi cho đây là biện pháp cần thiết để cứu ngành hàng cá tra, vốn đang là thế mạnh của vùng ĐBSCL” – ông Nguyễn Văn Cảnh (ngư dân nuôi cá tra xuất khẩu xã Long Giang, huyện Chợ Mới) kiến nghị.
Còn nhớ, năm 2022, ngành hàng cá tra Việt Nam đạt thành tích ấn tượng trên cả 3 phương diện: Diện tích thả nuôi, sản lượng thu hoạch và giá trị xuất khẩu. Trong đó, diện tích thả nuôi tăng 104%; sản lượng thu hoạch tăng 103,5% (so với năm 2021). Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 70%, vượt qua đỉnh năm 2018 (2,26 tỷ USD)… Thành công trên tạo đà cho việc thả nuôi trong năm 2023, nhưng gặp vướng mắc về tình hình thế giới.
“Chúng tôi bán cá không được, trong khi khó tiếp cận với đồng vốn ngân hàng. Ngân hàng chỉ giải ngân trong điều kiện ngư dân có tài sản đảm bảo khoản vay. Tình hình đã khó, nay càng khó hơn” – bà Trần Thị Lệ (ngư dân xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) phản ánh.
Để tháo gỡ khó khăn này, ngày 13/4, nhân sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đơn vị này đã gửi đến Thủ tướng 7 kiến nghị. Trong đó, đề xuất Chính phủ sớm có chương trình kích cầu, tạo tâm lý yên tâm cho ngư dân lẫn DN duy trì sản xuất nguyên liệu, chế biến. Cụ thể, VASEP đề xuất gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp (bằng với mức vay ngoại tệ cho DN thủy sản vay) để thu mua và dự trữ nguyên liệu… Hy vọng, ngành hàng cá tra sẽ sớm vượt qua khó khăn, ổn định lại sản xuất sớm nhất.
“Ngoài việc quản lý quy hoạch nuôi, chế biến tại các địa phương trong vùng, nhà nước cần quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn để các hiệp hội ngành hàng, mà cụ thể là Hiệp hội Cá tra Việt Nam, VASEP phát huy được vai trò trong liên kết thông tin, định hướng phát triển, dự báo thị trường. Từ định hướng hàng năm cho DN lẫn ngư dân, tránh tình trạng thả nuôi nhiều so với nhu cầu tiêu thụ” – ông Trần Đình Dân (ngư dân thị trấn Đa Phước, huyện An Phú) kiến nghị.
MINH HIỂN (Báo An Giang)