Tín hiệu vui từ xuất khẩu Tôm & Cá Tra
Xuất khẩu tôm và cá tra đang có rất nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, người nuôi lẫn các ngành chức năng cảnh báo không nên xuống giống ồ ạt để rồi tái diễn tình trạng “cung” sẽ vượt “cầu”.
Những ngày qua, gia đình ông Nguyễn Văn Thắng (ngụ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) rất phấn khởi vì giá cá tra đang được thu mua từ 28.500-31.000 đồng/kg, tăng hơn 4.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán. Với 200 tấn cá tra sắp thu hoạch, gia đình ông Thắng đang rất tự tin về đầu ra.
Thiếu cá tra nguyên liệu
Ông Nguyễn Văn Học (ngụ TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) cũng vừa xuất bán ao cá tra hơn 300 tấn và hiện tại cả 4 ao nuôi của ông đều được đầu tư lại vụ tiếp theo. “Năm nay giá cá tăng cao, người nuôi như tôi khá vui, vì nếu mình nuôi tốt thì sẽ có lợi nhuận ổn định. Tuy nhiên, đây cũng là vụ nuôi mà tôi nhận thấy có nhiều biến động nhất, từ dịch bệnh kéo dài, giá thức ăn tăng cao, xăng dầu lên giá và nhiều mặt hàng liên quan cũng tăng theo. Do đó, dù bán cá được giá cao thì bù lại chi phí đầu vào cũng còn lại không là bao. Hơn nữa, điều tôi lo lắng là mức hao hụt trong quá trình nuôi hiện nay ở mức cao, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cuối vụ” – ông Học cho biết.
Theo ông Đỗ Lập Nghiệp, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn N.V., cá tra có giá cao là tín hiệu vui cho cả người nuôi lẫn doanh nghiệp. “Tôi nghĩ giá cá sẽ còn ở mức cao cho đến hết năm nay. Năm sau giá cá có thể khác một chút, vì người nuôi trở lại nhiều. Tuy nhiên, nguyên liệu chế biến thức ăn đang tăng cao cũng đẩy giá thức ăn tăng theo, từ đó giá cá cũng khó giảm. Người nuôi nhỏ lẻ có thể gặp khó vì những biến động của thị trường nhưng tập đoàn chúng tôi có quy trình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất thức ăn, vùng nuôi rộng lớn cho đến nhà máy chế biến cá chuyên nghiệp và cả việc tận dụng phế phẩm từ cá sẽ cho chúng tôi những lợi thế lớn trong bối cảnh giá cá xuất khẩu cao như hiện nay” – ông Nghiệp nhận định.
Bên cạnh những mặt tích cực, ông Nghiệp còn cho biết việc xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga và Trung Quốc hiện nay có những điểm nghẽn. “Thị trường Nga đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc xung đột Nga – Ukraine. Trong khi đó, Trung Quốc đang thực hiện chính sách “Zero Covid” nên xuất khẩu sang thị trường này có chậm lại. Tuy nhiên, việc có quan hệ hợp tác xuất khẩu với nhiều nước trên thế giới cũng giúp cho chúng tôi mỗi tháng xuất đi từ 7.000 – 8.000 tấn cá thành phẩm. Ngoài ra, giá xăng dầu thế giới tăng cao như hiện nay làm cho phí vận chuyển liên tục tăng. Đó cũng là một khó khăn mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu như chúng tôi phải đối mặt có thể trong một thời gian dài sắp tới” – ông Nghiệp nói thêm.
Theo các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, sở dĩ giá cá tăng mạnh là do sau dịch Covid-19, nhiều hộ “treo ao,” nguồn cung cá nguyên liệu phục vụ xuất khẩu thiếu hụt. Điều này dẫn đến tình trạng “cầu” vượt “cung”.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX Sản xuất Dịch vụ thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp), cho rằng giá cá tra hiện nay đang giữ mức cao, người nuôi cá có lợi nhuận cao hơn so với trước Tết và cao hơn cùng kỳ năm 2021. Dự báo thời gian tới, giá xăng dầu và thức ăn chăn nuôi tăng cao nên giá cá tra sẽ tiếp tục tăng.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra cũng có tín hiệu tích cực khi tăng mạnh ở hầu hết các thị trường lớn. Trong 2 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này đạt 384,8 triệu USD, tăng 93,6%. Tính đến hết tháng 2, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 94,57 triệu USD, tăng 119,7%. Sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát lần thứ 17 và mới nhất là kết quả cuối cùng POR17 thuế chống bán phá giá với cá tra phi-lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, thêm doanh nghiệp cá tra Việt Nam được hưởng mức thuế 0% sang thị trường Mỹ. Vì vậy, dự báo giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong thời gian tới tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Sau 2 năm liên tiếp, xuất khẩu cá tra sang EU giảm sút, nhiều doanh nghiệp Việt Nam rút khỏi thị trường này. Trước khi dịch Covid-19 đến tâm điểm châu Âu, xuất khẩu cá tra sang khối thị trường này có nhiều tháng liên tiếp giảm mạnh. Nhưng 2 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt gần 28 triệu USD, tăng gần 76%.
Xuất khẩu tôm dự kiến đạt 4 tỉ USD
Tại Cà Mau, kim ngạch xuất khẩu thủy sản những tháng đầu năm đạt 165 triệu USD, tăng 101% so cùng kỳ. xuất khẩu tôm của tỉnh Bạc Liêu đạt trên 113 triệu USD, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ghi nhận, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm thẻ chân trắng tại ĐBSCL giá ổn định và duy trì ở mức cao. Hiện tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá 100.000 đồng; loại 50 con/kg là 132.000 đồng; loại 30 con/kg giá 158.000 đồng. Với giá như hiện nay, bảo đảm đa số người nuôi sẽ có lãi.
Lão nông Trần Văn Hoàng (ngụ huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) cho biết đa phần bà con đã cải tạo ao, đầm để xuống giống vụ nuôi mới chứ không còn tình trạng “treo” ao như thời điểm giá xuống thấp. “Năm nay, tôm ít bệnh do thời tiết thuận lợi cộng với giá cao nên vụ tôm thẻ vừa rồi tôi đã thu lãi hơn 700 triệu đồng. Không chỉ tôi mà nhiều bạn nghề còn được tận hưởng cảm giác trúng mùa, được giá” – ông Hoàng phấn khởi nói.
Một doanh nghiệp kinh doanh thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau nhận định xuất khẩu đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng chặng đường phía trước vẫn còn dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vậy nên, doanh nghiệp muốn trụ vững và phát triển trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì cần phải tiếp tục nỗ lực và đa dạng hóa thị trường.
Do tôm trúng giá nên rất nhiều người dân ở Cà Mau đang tất bật thuê cơ giới làm ao nuôi tôm thẻ chân trắng. “Trước đây, quanh nhà tôi chỉ có 2-3 hộ nuôi tôm thẻ công nghiệp. Khi thấy các hộ nuôi có lãi vì trúng giá, không ít người đã mướn cơ giới làm ao chuyển sang nuôi tôm thẻ công nghiệp. Nuôi theo phong trào mà không tính toán kỹ về lâu dài, hộ nuôi có thể bị chịu thiệt” – lão nông Nguyễn Văn Bá (ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) trăn trở.
Cũng theo VASEP, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay tăng trưởng tốt ở tất cả thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh… Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước. Thị trường Mỹ mở cửa trở lại hậu Covid-19, nhu cầu nhập khẩu thủy sản, trong đó có tôm, tiếp tục tăng cao. Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn thứ 4 trên thị trường Mỹ – sau Ấn Độ, Ecuador và Indonesia.
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc cũng có dấu hiệu phục hồi, đạt 39,7 triệu USD (tăng 14%). Trong năm 2022, dự báo Trung Quốc nhập khẩu tôm tăng mạnh nhưng thị trường này rất khắt khe. VASEP lưu ý doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Trung Quốc cần bảo đảm công tác kiểm soát và phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình sản xuất, xuất khẩu.
Dự báo, xuất khẩu tôm tiếp tục tăng trưởng khoảng 40% trong tháng 3 nhờ nhu cầu thị trường đang mạnh, xuất khẩu cả năm dự kiến đạt khoảng 4 tỉ USD, tăng 3%. Xung đột Nga – Ukraine ít nhiều cũng tác động đến việc xuất khẩu tôm sang Nga và Ukraine dù 2 thị trường này chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong tổng lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam. Tuy nhiên, xung đột này làm tăng giá xăng dầu và kéo theo nhiều chi phí đầu vào khác tăng lên, ảnh hưởng đến giá thành và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tháo gỡ, xử lý vướng mắc liên quan thị trường Trung Quốc, Mỹ
Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết trong năm 2020, đối với xuất khẩu cá tra thì Việt Nam có 6 lô hàng bị cảnh báo về dư lượng kháng sinh nhưng trong năm 2021 không có thị trường nào cảnh báo. Trong năm 2022, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản sẽ tập trung tháo gỡ, xử lý các vướng mắc liên quan thị trường Trung Quốc, Mỹ.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho rằng các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ cần chú ý vấn đề chống bán phá giá; còn thị trường EU thì cần quan tâm đến các chứng nhận như GAP, ASC…
CA LINH – KỲ ĐỒNG – VÂN DU – TÂM MINH (Theo Báo NLĐ)